Những trang web nước ngoài hay - để vào nền tảng danh tiếng

Xúc động bài học về lòng biết ơn Cha Mẹ

Chiều nay 22/5, sinh viên Việt Giao đã có buổi học chuyên đề về lòng biết ơn Cha Mẹ với chia sẻ của thầy Trần Tuấn Anh – giáo viên trường THCS Bạch Đằng (Q3).

Thầy Trần Tuấn Anh được coi là hiện tượng về sự đổi mới phương pháp dạy học trong thời gian gần đây. Thầy xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông với các bài giảng giáo dục công dân hấp dẫn, có lồng ghép thực tế, kết hợp tranh ảnh và những câu chuyện cảm động, nên đã lấy nước mắt của bao thế hệ học trò.

 

Mở đầu bằng hoàn cảnh ra đời bài hát “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân, thầy Tuấn Anh đã khơi dậy cảm xúc sâu lắng về mẹ cả một đời vất vả vì con: “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào, lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu. Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn”.

Hay:

“À ơi ! con khóc chào đời.

Vầng trăng tỏa sáng Cha cười Mẹ vui”.

Những vần thơ, câu hát đã đưa các em tìm về quá khứ và nhận ra ngày mình cất tiếng khóc chào đời là một niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với Cha mẹ. Dù biết rằng sự ra đời của con làm thêm phần nhọc nhằn lo toan, nhưng Cha Mẹ vẫn hạnh phúc vui mừng không kể xiết. Rồi thời gian trôi dần đi qua. Con được nuôi dưỡng bằng dòng sữa Mẹ. Người mẹ sinh ra con được ví như đi biển: “Đàn bà đi biển mồ côi một mình” – để thấy được sự hiểm nguy, đau đớn của mẹ mà không thể chia sẻ cùng ai.

Tiếp tục lấy hình ảnh về những bữa trưa ăn vội, những giấc ngủ chập chờn nơi công sở hay hình ảnh về người Cha, người Mẹ đã lóc từng làn da, thớ thịt để cứu chữa cô con gái bị bỏng nặng, bài giảng của thầy đã động tới lòng trắc ẩn của hàng trăm sinh viên, cho thấy sự hi sinh to lớn của Cha Mẹ dành cho con. Đến lúc này thì nhiều sinh viên không kìm nén được cảm xúc đã bật khóc thành lời.

“Cha Mẹ nuôi con biển trời lai láng”…sự hi sinh của cha mẹ dành cho con là vô giá. Khi lớn lên bươn chải với cuộc sống mưu sinh người con mới nhận ra được niềm hạnh phúc lớn lao khi được ở bên vòng tay chăm bẵm của Cha Mẹ:

Cơm Cha cơm Mẹ đã từng,

Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người.

Cơm người khổ lắm, Mẹ ơi!

Chẳng như cơm Mẹ vừa ngồi vừa ăn.

Nhiều em rưng rưng khi nghĩ về Cha Mẹ

 

Những dẫn chứng cụ thể, sinh động cùng với giọng nói từ tốn, truyền cảm của thầy đã không chỉ làm cho các em sinh viên cảm thấy xúc động mà thầy cô tham dự cũng nghẹn ngào.

Em Phan Thị Xuân Mai – sinh viên lớp Hướng dẫn Du lịch K28 chia sẻ: “Em đang rất xúc động. Em đã một người con chưa làm được gì cho bố mẹ và cũng chưa nói được lời yêu thương bố mẹ. Em rất muốn nói rằng “Bố mẹ ơi con xin lỗi bố mẹ rất nhiều, con yêu bố mẹ rất nhiều nhưng con không thể nói ra được thành lời”.

Cùng chung cảm xúc đó, em Lê Minh Khoa – sinh viên lớp Quản trị Bếp Ẩm thực K15 bày tỏ niềm xúc động nghẹn ngày: “Em rất xúc động và đã khóc nhiều. Em rất thương bố mẹ đã nuôi nấng em. Em xin lỗi bố mẹ vì đã có những lúc cư xử không đúng. Cảm ơn bố mẹ đã làm những điều tốt đẹp cho em. Em sẽ cố gắng học tập để thành công”.

Là người có thâm niên 20 năm gắn bó với giáo dục, ThS.Trần Phương – Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao cho biết trăn trở bấy lâu nay của nhà trường là ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng, trường còn xây dựng thái độ học tập, làm việc cho sinh viên để các em phát triển toàn diện, bước ra đời sống bằng cả con tim và lý trí; cùng nhau xây dựng cộng đồng Việt Giao vững mạnh, giúp ích cho gia đình và xã hội.

Chỉ trong hơn 1 tiết học ngắn ngủi nhưng thầy Tuấn Anh đã khơi dậy được nguồn cảm xúc quá lớn nơi các em học sinh, đưa các em về với cội nguồn, giúp cho các em nhìn thấy rõ hơn, sâu sắc hơn công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ và cần thiết phải tỏ lòng biết ơn bằng cách cố gắng học tập, học làm người.

 

Xin dùng lời nhắn nhủ của thầy Trần Tuấn Anh để thay cho lời kết của bài viết: “Thầy cũng đã từng có quãng đời học sinh không bằng phẳng, quãng đời sinh viên rất bơ vơ, bế tắc. Thầy biết bố mẹ thương con nhưng cũng không biết làm sao. Các em chính là hình ảnh của thầy ngày xưa ấy. Nếu thương bố mẹ và để tỏ lòng biết ơn với bố mẹ thì các em hãy thành công thật nhanh, nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ”.