Những tháng ngày miệt mài đèn sách, những bữa trưa quên ăn quên ngủ để làm cho bằng được món ăn yêu thích đã đổi lại cho Trí một thành quả xứng đáng: Tấm bằng tốt nghiệp hệ trung cấp chính quy loại giỏi; Bằng khen dành cho ban cán sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ toàn khóa học; Giải Ba kỳ thi Học sinh sinh viên giỏi nghề cấp thành phố; giải Triển vọng cuộc thi Masterchef Việt Giao… và hợp đồng lao động vừa ký với khách sạn 5 sao Sofitel Saigon Plaza (quận 1, TP.HCM) đúng vào dịp sinh nhật tròn 18 tuổi
Với Trí, thành công là không chờ đợi
Nghề bếp không chỉ dành cho con gái
Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, từ nhỏ Trí rất thích được nấu ăn “Nấu ăn là niềm đam mê của em. Hồi đó mỗi khi nhà có việc là em luôn lăng xăng phụ mẹ các việc mà mình có thể làm được, từ lặt rau, chiên cá, nấu canh…Và em luôn khao khát trở thành một đầu bếp.
Ước mơ cứ thế lớn dần lên, cho đến một ngày em bày tỏ với gia đình về những dự định trong tương lai – trở thành đầu bếp của một nhà hàng khách sạn nổi tiếng thì gặp phải sự phản đối của ba mẹ. “Mẹ nói, bếp núc là việc của con gái. Nghề bếp chỉ dành cho phụ nữ mà thôi”. Trí đã thuyết phục gia đình bằng cách chỉ ra rằng hầu hết các đầu bếp nổi tiếng trên thế giới đều là nam. Thực tế cho thấy, nếu thực sự đam mê thì nam đầu bếp còn thành công hơn cả các nữ đầu bếp và hiện tại rất nhiều bạn trẻ là nam đều theo đuổi nghề này. Dần ra, gia đình có cái nhìn thoáng hơn và ủng hộ Trí theo nghề.
Hết lớp 9, Trí vẫn tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với mục đích kiểm tra xem năng lực của mình tới đâu. Nhận được thông báo trúng tuyển của trường trung học phổ thông cũng là lúc em chuẩn bị hành trang khăn gói lên Sài Gòn theo đuổi đam mê.
Do có dự định từ lâu nên quá trình Trí tìm đến nghề bếp là cả một sự chuẩn bị chu đáo từ người nhà và cả bản thân Trí. Ba mẹ giao cho dì dượng sắp xếp chỗ ở và tham khảo tìm trường học cho em.
Tháng 9/2017, Trí chính thức trở thành sinh viên ngành Quản trị Bếp – Ẩm thực trường Trung cấp Việt Giao
Cháy hết mình với đam mê
Lý giải lý do vì sao thích nghề bếp, Trí cho biết “Trong món ăn, nếu chúng ta cảm nhận thì sẽ nhìn thấy hết những tinh túy ẩm thực. Học nghề bếp trước hết em sẽ có thêm kỹ năng quan trọng để tự chăm sóc bản thân và những người thân yêu. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng của mọi người ngày một nâng cao nên em nghĩ nghề này sẽ có tiềm năng phát triển và phát triển không ngừng. Người đầu bếp cũng sẽ có thỏa sức được sáng tạo với đam mê nấu ngon thôi chưa đủ mà còn phải trình bày sao cho bắt mắt tinh tế”.
3 năm theo học nghề bếp ở trường, Trí được học rất nhiều kiến thức, kỹ năng như: Xác định chi phí, xây dựng khẩu phần thực đơn, chế độ dinh dưỡng, nắm rõ các phương pháp chế biến món ăn Việt – Âu – Á, quản lý nhà bếp, quản lý nhân sự bếp…
Cô Hồ Thị Hồng – Cố vấn học tập lớp Quản trị Bếp – Ẩm thực K13 cho biết: “Trí luôn được các thầy cô bộ môn đánh giá cao bởi sự chăm chỉ, nghiêm túc và sáng tạo trong từng bài học. Với vai trò là lớp, em luôn là tấm gương sáng để các bạn trong lớp noi theo”.
Chia sẻ về bí quyết học, Trí cho biết: “Em đi học đầy đủ và hầu như không vắng buổi học nào. Chương trình học ở trường với 30% lý thuyết và 70% thực hành. Thời lượng học lý thuyết ít nên em chỉ cần tập trung ghi chép bài đầy đủ, về nhà học bài thật kỹ. Còn đối với phần thực hành thì cần chú ý nghe thầy cô hướng dẫn, để ý từng thao tác và đặc biệt là nắm vững chi tiết công thức chế biến từng món ăn. Chỗ nào chưa hiểu thì hỏi lại ngay. Ngoài học trên lớp, những lúc rảnh rỗi em lên internet tìm hiểu thêm về các món ăn mới, sáng tạo thêm cách trang trí món ăn sao cho mới lạ, độc đáo”.
Không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng nên tất cả các cuộc thi nấu ăn do trường và thành phố tổ chức Trí đều tham gia. “Em muốn cọ sát với nghề, muốn có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế và muốn kiểm tra khả năng của mình tới đâu”, em tâm sự.
Hiện tại Trí đã có công việc ổn định tại khách sạn 5 sao ở TP.HCM với mức lương khá hấp dẫn . “Khi còn học ở trường được thầy cô chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế nên vào làm việc tại khách lớn không làm em bỡ ngỡ nhiều. Hiện tại em có thể tự tin vừa đứng bếp rau và bếp thịt. Em luôn cảm thấy con đường em chọn là hoàn toàn đúng đắn. Trong khi bạn bè cùng lớp ngày xưa bây giờ mới đặt chân vào lên thành phố học thì em đã ra nghề có một công việc ổn định với hai tấm văn bằng trong tay khi chỉ mới 18 tuổi. Em tự hào và hãnh diện là nhân sự trẻ tuổi nhất tại khách sạn nơi em đang làm việc”.
Nếu bạn thực sự yêu thích và mong muốn trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, bạn cần phải hiểu đây không phải là nghề có thể vội vàng. Bạn phải từng bước phấn đấu, cố gắng học tập, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm. Bởi lẽ, điều làm nên một đầu bếp thành công không chỉ nằm ở năng lực, mà còn là ở kinh nghiệm và thái độ học tập, làm việc.