Hiện nay không ít sinh viên bỏ đại học đi học nghề; có người đã ra trường, đi làm nhưng cũng nghỉ ngang để học nghề.
“Khi con quyết định bỏ học, cha mẹ chớ vội hoang mang, lên án, hãy tìm hiểu lý do. Nếu các con bỏ học vì không thích, không phù hợp và chọn ngành khác, hãy ủng hộ và đừng kỳ vọng con cái theo ý muốn của mình, sẽ tạo áp lực cho con và khiến con không hạnh phúc”.
Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân
Với họ, và làm đúng nghề mình thích là niềm vui, hạnh phúc. Xa hơn là nghĩ đến chuyện nghề nghiệp gắn bó cả cuộc đời mà phải thay đổi.
Kẻ nghỉ việc, người bỏ đại học đi học nghề
Cách đây hơn 3 năm, Gia Huy vừa hoàn tất năm thứ 2 ngành cầu đường bộ tại Trường ĐH GTVT TP.HCM. Năm đầu tiên Huy đã lờ mờ có cảm giác chán, đến năm 2 thì cảm giác này rõ hơn: không phù hợp với ngành đang học.
“Nếu cứ chịu đựng hết 4 năm ĐH, không biết mình sẽ thế nào, có vượt qua được đến khi tốt nghiệp không” – Huy nhớ lại những lần trăn trở.
Ngành này do ba mẹ định hướng Huy chọn sau khi học xong THPT. Suy nghĩ tới lui, Huy đăng ký xét tuyển vào ngành hướng dẫn viên du lịch và báo với gia đình việc nghỉ học ĐH.
“Mẹ thì còn hỏi han, ba thì giận liền 4 tháng ngưng chu cấp, tôi phải tự đi làm trang trải chi phí chờ nhập học CĐ. Dần dần ba mới nguôi ngoai và chấp nhận chuyện tôi đi học nghề” – Huy kể lại những ngày “sóng gió” của gia đình.
Giờ thường xuyên đi tour, mệt nhưng với Huy, đó là niềm vui, là cơ hội học hỏi, được đi đây đi đó phù hợp với sở thích “di động” và tiếp xúc nhiều người của mình.
Không như Gia Huy, P.Đ.M. cũng đã ráng đến khi tốt nghiệp cử nhân hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dù ngay từ năm 2 M. đã biết mình không phù hợp. Thậm chí, M. còn học song ngành sư phạm hóa.
M. nói dù biết không phù hợp nhưng rất khó bỏ bởi áp lực từ gia đình, bạn bè rất lớn nên cố gắng để tốt nghiệp cử nhân hóa, bỏ ngang sư phạm hóa. Tốt nghiệp ĐH, M. cũng đi làm được 6 tháng cho một công ty trong lĩnh vực nhưng học đã chán, đi làm càng nhàm chán hơn nên M. nghỉ việc rồi đi học lại CĐ nghề.
Trong khi đó, chị Trần Triều Thúy Vũ hiện đảm trách nhiều công việc khác nhau như giám đốc nhân sự cho một công ty lớn, vừa là giáo viên hướng dẫn về nấu ăn, vừa là học sinh trung cấp ngành bếp.
Chị Vũ cho biết chị tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Do bản thân dị ứng với bột ngọt nên chị tìm khóa học nghề nấu ăn ngắn hạn để có thể tự nấu ăn cho mình và gia đình tốt nhất.
“Từ mục đích ban đầu học nấu ăn để có thể nấu cho mình và gia đình, giờ mình còn tham gia giảng dạy về nấu ăn tại một trường phổ thông. Mình chia sẻ với các bạn học sinh về cách chọn và trữ thực phẩm, kỹ năng cơ bản khi chế biến. Đó là một công việc thú vị” – chị Vũ chia sẻ.
Chị Vũ tự tin cho biết hiện có nhiều tập đoàn, công ty về thực phẩm, dịch vụ ăn uống; với kinh nghiệm về nhân sự và kiến thức về thực phẩm, chị nói cơ hội của mình cũng khá lớn.
Hạnh phúc với công việc
Với Gia Huy bây giờ “có thể tôi còn nghèo nhưng kiến thức học được từ nghề, đồng nghiệp, từ chính đặc thù nghề nghiệp của mình là rất nhiều. Điều tôi tâm đắc đó là mình tìm được niềm vui trong công việc” – Huy tự hào cho biết.
Tương tự, P.Đ.M. cho rằng nếu để nuôi sống bản thân có nhiều công việc có thể làm. Làm phải vui cuộc sống mới ý nghĩa, làm mà đối phó, chán nản thì không thể lâu dài được. Thực sự không có gì thích hơn được làm những việc, được học những thứ mình thích và mong muốn thực hiện.
Ông Trần Phương, hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, chia sẻ thực tế có không ít học sinh chọn ĐH do áp lực từ gia đình mà không được tư vấn và tự quyết nên khi vào học mới cảm thấy không phù hợp, hoang mang. Khi không thích, việc học sẽ khó và sau này đi làm sẽ càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng không ít sinh viên sau khi đậu vào trường ĐH mà bao người mơ ước nhưng do không có đam mê, định hướng và một phần do năng lực học tập hạn chế nên đã không theo được tới cùng, đành khép lại cánh cổng trường ĐH khi chưa kịp cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp. Đó là điều đáng tiếc.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Quỳnh Xuân – hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn – cũng cho rằng nhiều gia đình có truyền thống về nghề nào đó thường định hướng cho con học nghề đó.
Cha mẹ làm tốt chưa hẳn con cũng sẽ như vậy, bởi mỗi người có năng lực và sở thích khác nhau. Cha mẹ chỉ nên gợi mở, đồng hành, không nên thay con quyết định chọn ngành nào. Con cái sẽ sống cuộc sống của mình, bằng nghề mà con theo học.
Những em kiên quyết bỏ ĐH giữa chừng vì thấy không phù hợp cũng còn may mắn hơn những bạn cố gắng học xong vì có cơ hội học và làm nghề mình thích. Nếu cảm thấy không phù hợp, hãy mạnh dạn bỏ để chuyển sang ngành khác, bậc học khác.
Học đã chán nhưng chỉ kéo dài vài năm, khi đi làm còn chán hơn nhiều và đôi khi chúng ta phải làm công việc nhàm chán đó cả đời. Chúng ta không tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong học tập, trong công việc, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, như vậy gần như cả cuộc đời chúng ta phải sống trong chịu đựng.
Theo TTO